Chắc chắn không ít Phụ huynh có thắc mắc và mối bận tâm rằng: Tại sao khi con mình ở nhà rất ít ốm vặt, nhưng khi đi mẫu giáo, nhà trẻ lại thường gặp các vấn đề sức khỏe, hay bị cảm, sốt, tiêu hóa kém,… khiến Ba Mẹ không khỏi lo lắng, bỡ ngỡ. Hơn thế nữa, những Phụ huynh có bé lần đầu đi học càng trở nên áp lực, xót xa hơn nữa khi thấy con yêu gặp tình trạng trên.
Thực sự không khó để lý giải lý do tại sao trẻ đi học lại dễ ốm hơn khi ở nhà! AAE sẽ giúp Phụ huynh trả lời câu hỏi chứa đựng tình cảm, xuất phát từ tình cảm, và trách nhiệm ấy. Bên cạnh đó, mách nhỏ cho Ba Mẹ những điều tuy đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu để phòng tránh, cải thiện vấn đề thường gặp đó.
Cảm xúc tác động đến hệ miễn dịch!
Tâm lý chung của đa số trẻ nhỏ thường cảm thấy lo lắng, không vui vẻ, thoải mái đi học trong khoảng thời gian đầu; hoặc sau thời gian nghỉ ở nhà quá lâu, khi quay lại lớp sẽ cảm thấy bỡ ngỡ, không tình nguyện, vâng lời. Ba Mẹ có thể dễ dàng nhận thấy biểu hiện, thái độ “không hợp tác” của con trong những buổi hay tuần đầu tiên đến trường, thường xuyên khóc nhè, làm nũng,… đến vài tuần sau đó, thậm chí vào tháng thứ hai, tình hình đã khá hơn.
Điều đó cũng rất dễ hiểu, vì lần đầu bước vào môi trường mới hoàn toàn, thầy cô giáo, bạn bè đều lạ lẫm khiến bé không quen và hoang mang. Song song đó, khi đi học mầm non, các việc ăn uống, đi vệ sinh, ngủ nghỉ và vui chơi đều phải tự lập, ít được sự chiều chuộng, giúp đỡ hết của Ba Mẹ như khi còn ở nhà. Nếu khả năng thích nghi của bé vẫn chưa tốt nên bé sẽ càng lo lắng. Cuối cùng, lần đầu tiên xa Ba Mẹ từ sáng đến chiều, bé sẽ rất nhớ và bất an, thậm chí là bị sang chấn tâm lý. Không chỉ riêng trẻ nhỏ mà đối với bất kỳ ai, khi tâm trạng, tinh thần không thoải mái cũng sẽ dễ mắc bệnh do sức đề kháng, hệ miễn dịch bị ảnh hưởng tiêu cực, nội tiết tố mất cân bằng.
Môi trường dễ xảy ra lây nhiễm chéo
Ở nhà, bé tiếp xúc với số lượng người xung quanh ít hơn, chủ yếu là ông bà, cha mẹ, người thân,… đều đã lớn và có ý thức và cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình cũng như trẻ. Nếu mắc bệnh cũng sẽ biết cách hạn chế tiếp xúc để tránh mầm bệnh lây lan cho người khác.
Nhưng khi đi học, trong lớp rất đông các bạn đồng trang lứa, đều hạn chế khả năng tự đề kháng, phòng tránh cho bản thân; đồng nghĩa, bé có thể sẽ bị tiếp xúc với các mầm bệnh nhiều hơn. Cùng với đó, trẻ con lại thường xuyên hiếu động, tiếp xúc, tương tác gần gũi với nhau qua các hoạt động, chơi đùa, nắm tay thân thiết; nếu một bạn nhỏ bị bệnh và không cách ly kịp thời, có thể xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo rất cao cho những trẻ khác trong lớp.
Thói quen sinh hoạt và môi trường thay đổi!
Khi ở nhà cùng Ba Mẹ, người thân, chắc chắn bé sẽ được chăm sóc tốt hơn từ chế độ dinh dưỡng đến giấc ngủ, hay sự quan tâm dành riêng cho mình nhiều hơn khi đi học. Bởi vì ở trường, có nhiều trẻ mà lại ít cô giáo nên các cô giáo không thể chăm chút từng li từng tí cho bé giống như ở nhà. Chế độ sinh hoạt ở trường có thể điều độ hơn nhưng chất lượng bữa ăn có thể không được như ở nhà của con.
Nhiều Phụ huynh chiều con thường thuận theo tính cách của con trong quy luật ngủ nghỉ của bé, không theo giờ giấc cố định. Ngay cả chuyện đi vệ sinh, người thân có thể thúc giục hoặc kiên nhẫn chờ đợi nên giảm thiểu được tình trạng bé đái dầm, ở trường, việc này sẽ khó hơn rất nhiều. Thế nên, những ngày đầu đi học bé còn chưa quen với thức ăn ở trường sẽ dễ dàng bỏ dở khẩu phần của mình, chưa hòa nhập được với môi trường mới, thời gian biểu thay đổi về việc nghỉ ngơi, vệ sinh, ăn uống, trẻ chưa kịp thích nghi, sức đề kháng không tốt càng dễ gặp các vấn đề sức khỏe hơn.
Tuy trẻ dễ mắc bệnh nếu đi học mầm non. Nhưng đến khi vào tiểu học, sức đề kháng của trẻ đã học mầm non lại tốt hơn trẻ không học. Bởi trong quá trình đi học mầm non, trẻ đã tự xây dựng được hệ thống miễn dịch cho mình. Vậy nên ba mẹ đừng quá lo lắng chuyện đó và hãy cùng các cô giáo chuẩn bị thật tốt cho những đứa con yêu dấu của mình bằng các bí quyết sau:
– Rèn khả năng tự lập của bé khi ở nhà trong việc ăn uống, thay áo quần, đi vệ sinh để trẻ cảm nhận bản thân đã lớn, có thể tự hào khi phụ giúp Ba Mẹ trong những việc nhỏ nhặt, tự giác phục vụ chính mình mà không cần giúp đỡ, nhắc nhở.
– Tạo thói quen sống lành mạnh như: rửa tay kỹ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ngủ đủ giấc và đúng giờ,…Phụ huynh nên nắm bắt thời gian biểu luật như ở trường và rèn cho trẻ thói quen sinh hoạt điều độ, kỷ luật để con yêu của mình nhanh thích nghi hơn.
– Nên giải tỏa tâm lý cho con bằng việc luôn nói với trẻ về những điều tốt đẹp ở trường, trấn an, không lấy việc đến trường để dọa nạt bé. Thường xuyên trò chuyện, lắng nghe lời con chia sẻ và từ đó khích lệ, động viên tiếp tục cố gắng, phát huy.
– Ba mẹ còn nên khuyến khích con vận động phù hợp để giúp các cơ và xương cốt thêm chắc khỏe, tăng cường khả năng hô hấp, thúc đẩy hệ thần kinh phát triển. Vận động nhiều sẽ tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế khả năng trẻ mắc bệnh. Ngoài ra cần bổ sung các chất dinh dưỡng để bé có được sức khỏe và sức đề kháng tốt nhất khi đến trường.
Quan tâm, chăm lo cho sức khỏe của con luôn là vấn đề bất kỳ Ba Mẹ nào cũng đặt lên hàng đầu trong suốt quá trình phát triển, đến tận khi khôn lớn, trưởng thành. Đặc biệt với các trẻ ở độ tuổi mầm non, sức đề kháng còn non nớt thì điều này càng được để ý sát sao, rất đáng trân trọng! Hệ thống trường Mầm non Học viện Hoa Kỳ sẽ cùng đồng hành, cố gắng hết mình để các thiên thần nhí có một môi trường học tập, sinh hoạt tuyệt vời, giúp trẻ luôn khỏe mạnh và sống trong niềm hạnh phúc, tròn đầy của tuổi thơ đẹp đẽ chỉ có một lần trong đời của mình.